Giải phẫu Cấu trúc & Chức năng Khớp Vai
Giải phẫu Cấu trúc & Chức năng Khớp Vai
Khớp vai là một khớp chỏm cầu phức tạp nhưng vô cùng linh hoạt, cho phép cánh tay có phạm vi chuyển động rộng nhất trong cơ thể. Cấu trúc chính bao gồm đầu xương cánh tay khớp với ổ chảo của xương bả vai. Chúng cùng các xương khác như xương đòn, xuơng ức tạo thành Đai vai (Shoulder girdle).
Khớp vai được bao bọc bởi bao khớp và được củng cố bởi các dây chằng và gân của các cơ bám xung quanh. Nhóm cơ chóp xoay (Rotator cuff muscles) đóng vai trò quan trọng trong việc ổn định và chuyển động của khớp.
Đồng thời, với khả năng linh hoạt cao, khớp vai cũng dễ gặp chấn thương. Hiện nay trong giới nghiên cứu y học thể thao về khớp vai đã đạt được rất nhiều tiến bộ trong việc khám lâm sàng, chữa trị chấn thương Việc tìm hiểu và tiếp cận với kiến thức khoa học về cấu tạo khớp vai giúp chúng ta có cách nhìn nhận tổng quát về xử trí chấn thương và tập luyện sau này. Trong bài viết này, mình sẽ phân tích cấu trúc giải phẫu của khớp vai; đồng thời tìm hiểu kĩ các thành phần chính và chức năng của chúng.
1. Cấu Trúc Xương
Xương bả vai (Scapula): là 1 cấu trúc xương đối xứng 2 bên cơ thể qua cột sống ngực. Có hình dạng tam giác, mỏng và gần phẳng nằm ở phía sau lồng ngực
Các đặc điểm giải phẫu cần lưu ý của xương vai:
- 2 diện trước và diện sau: là nơi bám của nhóm cơ chóp xoay (Rotator cuff)
- 3 bờ trên, giữa và ngoài: giúp chúng ta dễ xác định vị trí các nhóm cơ bám vào xương bả vai
- 3 mỏm: mỏm quạ, mỏm cùng vai và gai vai (điểm bám gân)
Xương đòn (Clavicle): là dạng xương dài nằm ngang ở phía trước đai vai (shoulder girdle). Xương đòn có hình dạng giống chữ “S” khi nhìn từ phía trên xuống, với một đầu phẳng (đầu ức) nối với xương ức và một đầu tròn (đầu cùng vai) nối với mỏm cùng vai (acromion) của xương bả vai. Cũng giống như xương bả vai, cũng có 2 cấu trúc đối xứng qua xương ức.
Xương ức (Sternum): nằm giữa và phía trước lồng ngực và là một phần của bộ xương trục. Xương ức là một xương dài, phẳng, hình dạng giống như một thanh kiếm. Xương ức là nơi kết nối giữa đai vai (shoulder girdle) với lồng ngực
Xương cánh tay (Humerus): vì điểm tiếp xúc của xương cánh tay với xương bả vai là đầu trên nên chúng ta sẽ chú trọng vào đặc điểm này.
Chỏm xương cánh tay (head of humerus) có hình dạng bán cầu không đều, được bọc bởi 1 lớp sụn mỏng ở diện ngoài và dày ở giữa. Diện tiếp xúc với ổ chảo xương bả vai (Glenoid fossa).
2. Cấu Trúc Khớp Vai
Khớp cánh tay (Glenohumeral joint – GHJ): Hay còn gọi là khớp vai. Đây là khớp chính của đai vai (shoulder girdle), thuộc loại khớp hoạt dịch dạng chỏm (synovial ball-and-socket joint). Khớp GHJ được hình thành từ sự kết hợp giữa chỏm xương cánh tay (humerus) và ổ chảo của xương bả vai (glenoid cavity), cho phép khớp vai xoay và di chuyển theo nhiều hướng khác nhau. Nhờ sự linh hoạt này, khớp cánh tay có thể thực hiện các động tác phức tạp như nâng, hạ, xoay, và vươn tay, đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động hàng ngày và thể thao.
Khớp GHJ được coi là khớp có độ di động vô cùng lớn nhưng lại có độ ổn định kém nhất là do cấu tạo: chỏm xương tròn rộng (head of humerus) gắn với ổ chảo nông (glenoid fossa). Hình ảnh này hay được so sánh giống như là quả bóng golf trên đế đặt bóng (tee golf)
Nhưng trên thực tế các nhà khoa học đã mô tả sự kém ổn định của khớp này bằng 1 hình ảnh tượng trưng khác: quả bóng đang thăng bằng trên mũi của chú hải cẩu
Điều này minh hoạ rõ ràng rằng chỏm xương cánh tay (Head of humerus) chỉ tiếp xúc 1 phần rất nhỏ với ổ chảo xương bả vai (Glenoid fossa), tạo nên một cấu trúc dễ mất ổn định. Do đó, khớp GHJ phụ thuộc vào rất nhiều các cấu trúc bám xung quanh. Chúng được chia làm 2 nhóm:
Nhóm ổn định thụ động (Static stabilizers): dây chằng (ligaments,) sụn viền ổ chảo (Glenoid labrum), bao khớp (Capsule) và áp suất âm nội khớp (negative intraarticular pressure)
Nhóm ổn định chủ động (Dynamic stabilizers): cơ chóp xoay (Rotator cuff) và các nhóm cơ bao quanh xương bả vai
Khớp cùng-đòn (Acromioclavicular joint – ACJ): khớp này được tạo bởi diện ngoài xương đòn (Clavicle) và mỏm cùng vai (Acromion process) của xương bả vai. Đây cũng là 1 khớp hoạt dịch nhưng với độ di động kém. Bao khớp tại đây cũng mỏng và yếu, chủ yếu khớp AC được bảo vệ bởi dây chằng bao khớp trên và dưới. Các dây chằng này được gia cố thêm bởi điểm bám nguyên uỷ của cơ delta và cơ thang.
Dây chằng chính của khớp AC:
- Dây chằng quạ-đòn (Coracoclavicular ligaments): đây là dây chằng chính của khớp AC hỗ trợ sự ổn định theo mặt phẳng ngang, tránh cho việc bị trật khớp AC lên trên (superior dislocation). Gồm 2 bó là “dây chằng nón” và “dây chằng thang”.
- Dây chằng cùng-đòn (Acromioclavicular ligament): hỗ trợ cho bao khớp AC, hạn chế sự dịch chuyển ra sau và xoay ra sau quá mức.
Chức năng chính của khớp AC:
- Tăng thêm biên độ xoay cho xương bả vai tại vùng lồng ngực
- Xương bả vai có thể linh hoạt cử động trên các mặt phẳng khác nhau khi cử động cánh tay
- Là nơi trung gian chuyển lực từ cánh tay tới xương đòn.
Khớp ức-đòn (Sternoclavicular joint – SCJ): khớp này được tạo bởi diện trong xương đòn (Clavicle) với cán xương ức (Manubrium of the Sternum). Khớp SC được phân loại là 1 dạng khớp hoạt dịch phẳng, có đĩa sụn sợi ở giữa khớp và không di động được. Hệ thống dây chằng của khớp SC vô cùng khoẻ và chắc chắn nên rất khó để xảy ra việc trật khớp tại đây. Nếu có tổn thương tại khu vực này thì sẽ là gãy xương đòn trước tiên.
Khớp bả vai-lồng ngực (Scapulothoracic joint – STJ): đây là 1 dạng khớp nổi (floating joint) và không được coi là 1 khớp hoàn chỉnh (gồm có bao khớp, hoạt dịch, …). Khớp ST được cấu tạo từ phía sau khung lồng ngực (Thoracic cage) với diện trong của xương bả vai và khớp này dễ bị ảnh hưởng vào tình trạng nguyên vẹn của hai khớp cùng-đòn (ACJ) và khớp ức-đòn (SCJ). Nếu các khớp này bị tổn thương hoặc không ổn định, sự liên kết giữa xương vai và lồng ngực cũng sẽ bị ảnh hưởng.
<aside> 💡
Tại sao lại có sự phụ thuộc này?
Thật ra, các cấu trúc xương của đai vai đều liên kết chặt chẽ với nhau. Xương bả vai (Scapula) và xương đòn (Clavicle) liên kết với nhau qua ACJ. Cụ thể là, mỏm quạ (acromion process) và đầu ngoài xương đòn (lateral end). Và đầu trong xương đòn (medial end) cũng được gắn vào xương ức qua SCJ. Tất cả tạo thành các cấu trúc khớp có ảnh hưởng chặt chẽ với nhau. Chính vì vậy, khi chuyển động xương bả vai trên lồng ngực thì cũng sẽ có sự tham gia của xương đòn và ngược lại. Chức năng của khớp ST thực sự là 1 chuỗi chuyển động kín và liên kết chặt chẽ với 2 khớp còn lại
</aside>
3. Các Thành Phần Chính Của Khớp Vai
Bao khớp (Joint capsule): đây là 1 cấu trúc quan trọng khi nhắc tới khớp vai với chức năng chính là giữ ổn định thụ động cho chỏm xương cánh tay luôn tiếp xúc với ổ chảo.
Bao khớp bám quanh ổ chảo (glenoid fossa), phía trước sụn viền (labrum) và phía đầu trên của xương cánh tay. Bao khớp dày lên ở phía trên, ra trước nhưng nhìn chung là lỏng lẻo không thể giữ cho các xương được khít lại. Bù lại là cho phép xương trong khớp có thể tách xa nhau hơn 2.5cm. Điều này giúp cho khớp GHJ có khả năng chuyển động linh hoạt và tự do hơn bất cứ khớp nào.
Bao khớp vai có khả năng giãn nở ra phía trước, xuống phía dưới, đồng thời có thể “cuộn lại” khi dạng (abduction) và xoay ngoài (external rotation). Bao khớp và các dây chằng khớp GHJ liên kết rất chặt chẽ tạo thành 1 cấu trúc vô cùng chắc chắn khi chuyển động khớp vai ở ngưỡng cực đại.
Ngoài ra, giống như khớp háng, chúng ta sẽ gặp lại “Hiệu ứng hút của khớp vai” (Shoulder suction cup).
Hãy tưởng tượng, cơ chế của 1 chiếc cốc hút chân không là viền cao su của nó sẽ bám vào bề mặt nhẵn, đẩy hết không khí/chất lỏng ra ngoài, tạo thành 1 vòng khép kín trên bề mặt. Ở giữa trung tâm sẽ chất chắc chắn nhưng ở rìa ngoài sẽ dễ lung lay.
Tương tự như vậy, ổ chảo (glenoid fossa) cũng có lớp sụn khớp mỏng ở trung tâm và càng ra xa rìa, lớp sụn này càng dày lên, tạo ra sự di động linh hoạt nhiều hơn. Ở rìa ngoài cùng có thêm viền sụn ổ chảo (glenoid labrum) và cuối cùng bao bọc ở ngoài là bao khớp (joint capsule). Sự thay đổi độ linh hoạt từ trung tâm ra rìa giúp cho khớp vai thêm linh hoạt, cho phép ổ khớp ôm khít chỏm xương cánh tay (head of humerus).
Ngoài ra, khớp vai còn duy trì một áp suất âm nội khớp (negative intraarticular pressure). Đây là áp suất thấp hơn áp suất không khí bên ngoài, được duy trì bởi màng hoạt dịch và bao khớp kín, giúp giữ cho chỏm xương cánh tay (humeral head) luôn áp sát vào ổ chảo (glenoid fossa). Áp suất âm này tạo ra một lực hút tự nhiên chống lại các lực kéo làm trật đầu xương cánh tay ra khỏi ổ chảo, giảm nguy cơ bị trật khớp vai.
Có thể nói, Hiệu ứng hút của khớp vai (shoulder suction mechanism) rất quan trọng để duy trì sự ổn định của khớp vai. Khi các yếu tố khác không đủ để ổn định khớp (ví dụ như trong các tình huống quá tải hoặc khi gân cơ bị quá tải), cơ chế hút (suction mechanism) sẽ là lớp phòng vệ cuối cùng giúp giữ cho xương cánh tay ở đúng vị trí mà nó “cần phải ở”.
Hiệu ứng hút của khớp vai sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi chấn thương tới sụn viền như tổn thương sụn viền hay là gãy ổ chảo, khiến cho đầu xương cánh tay bị lệch rời với ổ chảo.
Sụn viền ổ chảo (Glenoid labrum) là một vòng sụn sợi (fibrocartilage) dày khoảng 3mm bao quanh rìa ngoài ổ chảo. Sụn viền (labrum) giúp tăng diện tích tiếp xúc giữa chỏm xương cánh tay với ổ chảo. Các dây chằng của khớp vai (glenohumeral ligaments) bám chủ yếu ở sụn viền. Đồng thời, đầu dài của cơ nhị đầu, bao khớp cũng bám tại đây. Sụn viền ổ chảo tương thích với chỏm xương cánh tay và tạo nên khoảng 50% độ sâu của khớp GHJ.
Sụn viền là 1 trong những thành phần quan trọng trong nhóm giữ ổn định thụ động (static stabilizers), ngăn cản chuyển động quá mức ra trước-ra sau của cánh tay, đồng thời hỗ trợ các nhóm khác giữ cho khớp vai không bị trật và lỏng khớp. Tổn thương sụn viền là 1 trong những chấn thương phổ biến tại khớp vai do bị tác động bởi những tổn thương cấp tính như: trật / bán trật khớp vai, …
Màng hoạt dịch (Synovial membrane): nằm ở diện trong bao khớp, sản xuất ra hoạt dịch để giảm ma sát giữa các bề mặt khớp.
Túi thanh mạc (Bursae): những túi thanh mạc này có chức năng như “đệm tiếp xúc” giữa các cấu trúc trong khớp. Các túi thanh mạc có ý nghĩa lâm sàng quan trọng khi bàn tới khớp vai bao gồm:
Túi thanh mạc dưới mỏm cùng vai (Subacromial bursa): túi này nằm ngay trên gân của cơ trên gai (Supraspinatus tendon), hoạt động như 1 chiếc đệm giảm cọ xát giữa gân và mỏm cùng vai (acromion process), cho phép chuyển động dạng (abduction) được thuận lợi hơn mà không gây đau. Về sau khi tìm hiểu về chấn thương vùng khớp vai, chúng ta sẽ gặp lại cấu trúc này khá nhiều, đặc biệt là các bệnh liên quan tới viêm gân
Túi thanh mạc dưới mỏm quạ (Subcoracoid bursa): túi này nằm giữa mỏm quạ (coracoid process) và cơ dưới vai (subscapularis muscle). Tương tự, túi thanh mạc mỏm quạ giúp giảm ma sát giữa gân của cơ dưới vai với đầu xương là mỏm quạ
Túi thanh mạc dưới cơ dưới vai (Subscapular bursa): túi này nằm ở dưới gân của cơ dưới vai (subscapularis muscle) và xương cánh tay (humerus), giúp giảm sự cọ xát tại đây
Túi thanh mạc dưới cơ delta (Subdeltoid bursa): túi này nằm giữa cơ delta (Deltoid muscle) và xương cánh tay, giảm sự cọ xát tối đa tại đây.
Dây chằng: có tổ hợp 3 dây chằng chính, đó là:
- Dây chằng ổ chảo-cánh tay (Glenohumeral Ligaments): gồm có dây chằng trên, dây chằng giữa, dây chằng dưới. Vị trí bám của dây chằng đảm bảo cho khớp vai tránh bị trật ra đằng trước (anterior dislocation)
- Dây chằng quạ-cánh tay (Coracohumeral Ligament):
- Dây chằng quạ-mỏm cùng vai (Coracoacromial Ligament):
Gọi đây là tổ hợp dây chằng khớp vai vì chúng liên kết chặt chẽ với nhau để bảo vệ cấu trúc phức tạp tại đây, chúng đóng vai trò quan trọng trong nhóm ổn định thụ động (static stabilizers).
4. Các Nhóm Cơ Khớp Vai
Như chúng ta đã biết, phần lớn các nhóm cơ bám xung quanh khớp vai đóng vai trò là nhóm ổn định giữ chủ động (Dynamic stabilizers) bao gồm: cơ chóp xoay (Rotator cuff muscles), cơ Delta (Deltoid muscle) và các nhóm khác.
Chức năng chính của Nhóm cơ giữ ổn định chủ động:
- Hạn chế sự di động quá mức của các nhóm cơ đối vận
- Hỗ trợ các cấu trúc trong khớp vai
- Các nhóm cơ vận động cùng nhau nhằm kiểm soát các trục chuyển động phức tạp được hiệu quả và linh hoạt
Chi tiết hơn, chúng ta có
- Nhóm cơ ổn định chủ động chính (Primary Dynamic Stabilizers):
- Nhóm cơ chóp xoay (Rotator cuff muscles – RTC): bao gồm 4 cơ cần phải nhớ: cơ trên gai – dưới gai – dưới vai – tròn bé (Supraspinatus – Infraspinatus – Subscapularis – Teres Minor). Các nhóm cơ này bám trực tiếp trên xương bả vai tới chỏm xương cánh tay, sức mạnh cơ nhỏ, nhưng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc giữ ổn định cho khớp vai.
- Đầu dài của cơ nhị đầu cánh tay (Long head of Biceps)
- Cơ delta (Deltoid muscle): chức năng chính nhất của cơ delta là ngăn ngừa trật khớp vai khi đang làm động tác giạng cánh tay hoặc là bê 1 vật nặng
- Nhóm cơ ổn định chủ động phụ (Secondary Dynamic Stabilizers):
- Cơ tròn lớn (Teres major)
- Cơ lưng rộng (Latissimus Dorsi)
- Cơ ngực lớn (Pectoralis Major)
Ngoài ra, để dễ hình dung hơn theo các chuyển động khớp vai, mình sẽ phân chia thành các nhóm cơ như sau:
Gấp (Flexion) | Duỗi (Extension) | Xoay trong (Medial rotation) | Xoay ngoài (Lateral rotation) | Khép (Adduction) | Giạng (Abduction) |
---|---|---|---|---|---|
Cơ ngực lớn (Pectoralis Major) | Cơ Delta (Deltoid) | Cơ lưng rộng (Latissimus Dorsi) | Cơ tròn bé (Teres Minor) | Cơ lưng rộng (Latissimus Dorsi) | Cơ Delta (Deltoid) |
Cơ Delta (Deltoid) | Cơ tròn lớn (Teres Major) | Cơ quạ-cánh tay (Coracobrachialis) | Cơ Delta (Deltoid) | Cơ quạ-cánh tay (Coracobrachialis) | Cơ trên gai (Supraspinatus) |
Cơ quạ-cánh tay (Coracobrachialis) | Cơ lưng rộng (Latissimus Dorsi) | Cơ tròn lớn (Teres Major) | Cơ dưới gai (Infraspinatus) | Cơ tròn lớn (Teres Major) | |
Cơ nhị đầu cánh tay (Bicep Brachii) | Cơ ngực lớn (Pectoralis Major) | Cơ ngực lớn (Pectoralis Major) | Cơ ngực lớn (Pectoralis Major) | ||
Cơ tam đầu cánh tay (Tricep brachii) | Cơ dưới vai (Subscapularis) | ||||
Cơ Delta (Deltoid) | |||||
- Gấp vai (Flexion)
STT | Tên nhóm cơ | Nguyên uỷ (origin) | Nguyên uỷ (origin) |
---|---|---|---|
1 | Cơ ngực lớn (Pectoralis Major) | xương ức, 2/3 bên trong xương đòn, 6 sụn sườn I-VI, bao cơ thẳng bụng | Củ lớn xương cánh tay |
2 | Cơ Delta (Deltoid) | 1/3 bên ngoài xương đòn, mỏm vùng vai, gai vai | Lồi củ delta xương cánh tay |
3 | Cơ quạ-cánh tay (Coracobrachialis) | Mỏm quạ xương bả vai | 1/3 giữa và trong xương cánh tay |
4 | Cơ nhị đầu cánh tay (Bicep Brachii) | Đầu dài: củ trên ổ chảo xương bả vai | |
Đầu ngắn: mỏm quạ | củ lồi xương quay |
- Duỗi (Extension)
STT | Tên nhóm cơ | Nguyên uỷ (origin) | Nguyên uỷ (origin) |
---|---|---|---|
1 | Cơ Delta (Deltoid) | 1/3 bên ngoài xương đòn, mỏm vùng vai, gai vai | Lồi củ delta xương cánh tay |
2 | Cơ tròn lớn (Teres Major) | Góc dưới xương bả vai | Mào củ bé xương cánh tay |
3 | Cơ lưng rộng (Latissimus Dorsi) | Mỏm gai 11 đốt sống từ T7-T12 và L1-L5. 1/3 sau mào chậu. 4 xương sườn IX-XII | Rãnh gian củ xương cánh tay |
4 | Cơ ngực lớn (Pectoralis Major) | xương ức, 2/3 bên trong xương đòn, 6 sụn sườn I-VI, bao cơ thẳng bụng | Củ lớn xương cánh tay |
5 | Cơ tam đầu cánh tay (Tricep brachii) | Đầu dài: Củ dưới ổ chảo xương bả vai | |
Đầu trong: mặt sau xương cánh tay | |||
Đầu ngoài: bờ ngoài xương cánh tay | Mỏm khuỷu xương trụ |
- Xoay trong (Medial rotation)
STT | Tên nhóm cơ | Nguyên uỷ (origin) | Nguyên uỷ (origin) |
---|---|---|---|
1 | Cơ lưng rộng (Latissimus Dorsi) | Mỏm gai 11 đốt sống từ T7-T12 và L1-L5. 1/3 sau mào chậu. 4 xương sườn IX-XII | Rãnh gian củ xương cánh tay |
2 | Cơ quạ-cánh tay (Coracobrachialis) | Mỏm quạ xương bả vai | 1/3 giữa và trong xương cánh tay |
3 | Cơ tròn lớn (Teres Major) | Góc dưới xương bả vai | Mào củ bé xương cánh tay |
4 | Cơ ngực lớn (Pectoralis Major) | xương ức, 2/3 bên trong xương đòn, 6 sụn sườn I-VI, bao cơ thẳng bụng | Củ lớn xương cánh tay |
5 | Cơ dưới vai (Subscapularis) | Hố dưới vai của xương bả vai | Củ bé xương cánh tay |
6 | Cơ Delta (Deltoid) | 1/3 bên ngoài xương đòn, mỏm vùng vai, gai vai | Lồi củ delta xương cánh tay |
- Xoay ngoài (Lateral rotation)
STT | Tên nhóm cơ | Nguyên uỷ (origin) | Nguyên uỷ (origin) |
---|---|---|---|
1 | Cơ tròn bé (Teres Minor) | Bờ ngoài xương bả vai | Củ lớn xương cánh tay |
2 | Cơ Delta (Deltoid) | 1/3 bên ngoài xương đòn, mỏm vùng vai, gai vai | Lồi củ delta xương cánh tay |
3 | Cơ dưới gai (Infraspinatus) | Hố dưới gai của xương bả vai | Củ lớn xương cánh tay |
- Khép (Adduction)
STT | Tên nhóm cơ | Nguyên uỷ (origin) | Nguyên uỷ (origin) |
---|---|---|---|
1 | Cơ lưng rộng (Latissimus Dorsi) | Mỏm gai 11 đốt sống từ T7-T12 và L1-L5. 1/3 sau mào chậu. 4 xương sườn IX-XII | Rãnh gian củ xương cánh tay |
2 | Cơ quạ-cánh tay (Coracobrachialis) | Mỏm quạ xương bả vai | 1/3 giữa và trong xương cánh tay |
3 | Cơ tròn lớn (Teres Major) | Góc dưới xương bả vai | Mào củ bé xương cánh tay |
4 | Cơ ngực lớn (Pectoralis Major) | xương ức, 2/3 bên trong xương đòn, 6 sụn sườn I-VI, bao cơ thẳng bụng | Củ lớn xương cánh tay |
- Giạng (Abduction)
STT | Tên nhóm cơ | Nguyên uỷ (origin) | Nguyên uỷ (origin) |
---|---|---|---|
1 | Cơ Delta (Deltoid) | 1/3 bên ngoài xương đòn, mỏm vùng vai, gai vai | Lồi củ delta xương cánh tay |
2 | Cơ trên gai (Supraspinatus) | Hố trên gai của xương bả vai | Củ lớn xương cánh tay |
5. Biên Độ Khớp Vai (Shoulder ROM)
Gấp (Flexion) | Duỗi (Extension) | Xoay trong (Internal rotation) | Xoay ngoài (External rotation) | Khép (Adduction) | Giạng (Abduction) |
---|---|---|---|---|---|
165°-180° | 30°-60° | 70° | 90° | 30° | 150°-180° |
6. Thần Kinh Chi Phối
Tất cả các dây thần kinh di chuyển xuống cánh tay đi qua nách (nách) ngay dưới khớp vai và được gọi là Đám rối cánh tay (Brachial Plexus) trước khi phân chia thành các dây thần kinh riêng lẻ. Đám rối thần kinh bắt buồn từ rễ thần kinh C5 tới T1. Các dây thần kinh mang tín hiệu trở lại não về các cảm giác như xúc giác, đau và nhiệt độ.
Đám rối cánh tay được tạo thành từ một số lượng lớn các dây thần kinh cung cấp cho cánh tay khả năng hoạt động và cảm nhận. Các vấn đề về dây thần kinh quanh vai rất hiếm, nhưng thường bị ảnh hưởng nhất bởi các dây thần kinh này là:
- Dây thần kinh nách (Axillary Nerve): chi phối cơ Delta và thường bị tổn thương nặng nhất là bị kéo căng khi trật khớp vai
- Dây thần kinh ngực dài (Long Thoracic Nerve): chi phối cơ Răng trước (Serratus Anterior). Nếu dây này bị tổn thương, bệnh nhân sẽ 1 chứng bệnh gọi là “Xương bả vai có cánh” (Winging of the shoulder) hoặc là Rối loạn
- Dây thần kinh trên vai (Suprascapular Nerve): chi phối các cơ trên gai và dưới gai.
- Dây thần kinh cơ bì (Musculocutaneous nerve): chi phối cơ nhị đầu cánh tay (Biceps)
7. Chức năng đặc biệt
Khi nhắc tới chức năng của khớp vai, chúng ta không thể không nhắc tới 1 khái niệm đó là “Nhịp bả vai-cánh tay” (Scapulohumeral rhythm). Đây là sự kết hợp ăn ý giữa các khớp trong khung đai vai (shoulder girdle) với nhau tạo nên những chuyển động chi trên nhịp nhàng. Ví dụ: khi bạn giơ tay qua đầu sẽ thấy khớp bả vai-lồng ngực (SCJ) và khớp vai (GHJ) cùng hoạt động.
Các chấn thương khớp vai ít nhiều sẽ gây ra sự rối loạn nhịp bả vai-cánh tay (Scapulohumeral rhythm). Lúc đó quan sát bằng mắt thường sẽ thấy chuyển động bất thường và giật cục. Sự bất thường này thường là do suy giảm sức mạnh cơ bắp, kiểm soát thần kinh cơ kém (thường là nhóm chóp xoay – RTC) hoặc là tự nguyện thích nghi thay đổi nhịp để tránh đau khi chuyển động khớp vai.
Các chuyển động của xương bả vai:
Các nhóm cơ phụ trách kiểm soát xương bả vai gồm:
- Cơ thang (Trapezius)
- Cơ răng trước (Serratus Anterior)
- Cơ trám (Rhomboids)
- Cơ nâng vai (Levator scapulae)
- Cơ ngực nhỏ (Pectoralis minor)
Những nhóm cơ này hoạt động nhịp nhàng tạo thành các “cặp lực” để kiểm soát chuyển động 3 chiều của xương bả vai. Ví dụ như:
Xương bả vai xoay lên trên (upward rotation): Cơ thang (Upper & Lower trapezius) – Cơ răng trước (Serratus Anterior)
Xương bả vai nghiêng trước/sau (anterior/posterior tilt): là sự kết hợp 2 cặp lực giữa: cơ thang (upper traps) và cơ ngực nhỏ (pectoralis minor) – cơ răng trước (Serratus Anterior) và cơ thang (lower trapezius)
Những nhóm cơ bám quanh xương bả vai đã tạo nền tảng vô cùng cân bằng và chắc chắn cho xương bả vai, đồng thời cho phép chúng duy trì mối quan hệ lực căng-độ dài cơ tối ưu.
7. Các Chấn Thương Thường Gặp
Do cấu tạo đặc biệt nên khớp vai thường rất dễ tổn thương do các chấn thương như viêm gân, trật khớp bán/toàn phần, tổn thương sụn viền, … Dưới đây là bảng tổng hợp các chấn thương đa số thường gặp trong thể thao, các bạn có thể theo dõi thêm:
Xương | Cơ bắp | Khớp | Gân |
---|---|---|---|
Gãy xương đòn (clavicle fracture) | Rách cơ ngực lớn (pectoralis rupture) | Rách sụn viền ổ chảo (SLAP lesion) | Chấn thương gân chóp xoay (Rotator cuff injury) |
Gãy xương cánh tay (humerus fracture) | Rách cơ nhị đầu cánh tay (bicep brachii) | Trật khớp vai (Shoulder dislocation/subluxation) | Đứt gân cơ nhị đầu cánh tay (Bicep brachii tendon rupture) |
Rối loạn xương bả vai (Scapular dyskinesia) | Rách cơ dưới vai (subscapularis muscle tear) | Hội chứng kẹt dưới mỏm cùng vai (Subacromial impingment) | |
Xương bả vai có cánh (Scapular winging) | Viêm túi hoạt dịch vai (shoulder bursitis) | ||
Đông cứng khớp vai (Adhesive Capsulitis) | |||
Tổn thương khớp cùng đòn (AC joint) |
Christopher C. Dodson, Frank A. Cordasco, Anterior Glenohumeral Joint Dislocations, Orthopedic Clinics of North America,2008:39(4), 507-518
Ishikawa, H., Henninger, H. B., Kawakami, J., Zitnay, J. L., Yamamoto, N., Tashjian, R. Z., Itoi, E., & Chalmers, P. N. (2023). A stabilizing role of the glenoid labrum: the suction cup effect. Journal of shoulder and elbow surgery, 32(5), 1095–1104
Neumann DA. Kinesiology of the musculoskeletal system: Foundations for Physical Rehabilitation. Elsevier Health Sciences, 2009
Van Tongel A, MacDonald P, Leiter J, Pouliart N, Peeler J. A cadaveric study of the structural anatomy of the sternoclavicular joint. Clinical Anatomy. 2012 Oct;25(7):903-10.
Chang, L. R., Anand, P., & Varacallo, M. (2023). Anatomy, shoulder and upper limb, glenohumeral joint. In StatPearls [Internet]. StatPearls Publishing.